Nhật Bản là một trong những quốc gia phát triển nhất tại châu Á. Khi nhắc đến đất nước này, chúng ta thường ấn tượng với ẩm thực, con người, văn hoá cũng như sự hào nhoáng, phồn hoa tại những thành phố lớn như Tokyo, Kyoto, Osaka. Để có sự phát triển rực rỡ như hiện nay, người dân Nhật Bản đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Trong một vài trường hợp, họ có thể phải đánh đổi cả tính mạng của chính bản thân mình. Trong bài viết này, BlogAnChoi sẽ giới thiệu tới bạn một góc tối tại đất nước mặt trời mọc, hiện tượng Karoshi – làm việc đến chết tại Nhật Bản.
Karoshi là gì?
Karoshi là cụm từ dùng để ám chỉ hiện tượng người lao động làm việc quá sức trong thời gian dài dẫn đến tử vong. Đó có thể là đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay tự tử do áp lực công việc quá lớn.
Tại Nhật, ngoài tham gia công việc vào giờ hành chính, dân văn phòng cũng sẽ phải tham gia các hoạt động bên lề như ăn uống cùng đồng nghiệp. Việc dành quá nhiều thời gian cho sự nghiệp khiến cho người lao động không thể dành thời gian cho bản thân, gia đình hay những sở thích cá nhân riêng. Nếu dành thời gian đến Nhật Bản, bạn có thể thấy cảnh những người mặc đồ công sở cầm vali trở về nhà vào lúc 2-3h sáng.
Kể cả nếu không phải tham gia các hoạt động bên lề, người lao động tại Nhật Bản còn thường xuyên phải làm việc quá giờ. Theo một vài thống kê, gần 1/4 dân số Nhật Bản làm trên 80 giờ OT (overtime – quá thời gian) mỗi tháng. Số giờ OT này thậm chí thường không được trả công.
Bên cạnh đó, tuy có số thời gian nghỉ phép trong năm là 20 ngày (nhiều hơn so với Mỹ là 15), đa số người Nhật chỉ sử dụng không quá 10 ngày. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, 63% người Nhật có cảm giác tội lỗi khi hưởng các ngày nghỉ chế độ được trả tiền.
Rất nhiều người nghĩ rằng lao động nhiều giờ như vậy, năng suất của người dân Nhật Bản sẽ cao. Tuy nhiên theo OECD, người Nhật có năng suất làm việc thấp nhất trong nhóm các nước G7.
Những vụ việc tiêu biểu
- Ca tử vong do làm việc quá sức đầu tiên được ghi nhận vào năm 1969. Một nhân viên 29 tuổi làm việc cho một tờ báo đã qua đời vì đột quỵ. Theo thông tin từ một báo cáo quốc tế năm 1997, nạn nhân được ghi nhận đã trải qua tình trạng sức khoẻ không ổn định cùng khối lượng công việc tăng cao trong những tháng cuối đời.
- Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, phần lớn nạn nhân Karoshi thường là những người đàn ông trung niên làm việc văn phòng, theo Hiroshi Kawahito, một luật sư và tổng thư ký Hội đồng quốc gia cho nạn nhân của Karoshi nói với hãng thông tấn Reuters. Ngày nay, cứ 5 nạn nhân của Karoshi sẽ có 1 người là phụ nữ. Những ca tự tử được ghi nhận liên quan đến karoshi cũng tăng liên tục với nhóm đối tượng dưới 29 tuổi, theo Reuters.
- Năm 2013, nữ phóng viên Miwa Sado của đài truyền hình NHK đã qua đời ở tuổi 31 do suy tim. Theo thông tin từ nhà chức trách, cô đã phải làm việc quá gần 160 giờ trong 2 tháng cuối đời. Tuy vậy, khi xem qua nhật ký trong điện thoại, gia đình cô đã đưa ra thông tin đau lòng hơn khi cô phải làm việc quá 209 tiếng vào những tháng cuối đời, tương đương 7 tiếng quá giờ mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần.
- Năm 2015, nhân viên làm tại hãng quảng cáo Dentsu của Nhật đã tự tử sau khi phải làm việc liên tục trong một khoảng thời gian dài. Theo thông tin từ truyền thông, cô đã phải làm việc quá 100 tiếng nhiều tháng trước khi qua đời.
- Tháng 4/2017, một người lao động 23 tuổi làm trong lĩnh vực xây dựng đã tự tử tại vùng núi miền Trung của Nhật Bản. Trước khi qua đời, anh đã để lại bức thư tuyệt mệnh nói về việc bản thân phải trải qua trạng thái “cạn kiệt về thể chất cũng như tâm lý”. 6 tháng sau, các nhà chức trách đã xác nhận nguyên nhân của sự việc đau lòng này là do Karoshi.
Vấn đề cố hữu của thị trường lao động Nhật Bản
Karoshi đã và đang càng ngày trở thành một mối đe doạ cho người lao động Nhật Bản. Thị trường lao động tại Nhật Bản được đánh giá là khá cứng nhắc. Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, Nhật Bản vẫn phải “đau đầu” tìm lời giải cho những vấn đề như năng suất làm việc thấp, sự thiếu hụt trong thị trường lao động, cũng như dân số ngày càng giảm sâu.
“Các công ty tại Nhật Bản vẫn chỉ tuân theo quy trình tuyển dụng truyền thống, các vấn đề lương bổng thì cố định và không thay đổi theo năm. Một khi xác định nghỉ việc, tôi sẽ phải rất chật vật để có thể kiếm được một công việc mới.” – Ishikura, một người lao động Nhật Bản cho hay.
Những thay đổi tình thế để cải thiện tình hình
Sau khi nữ phóng viên Miwa Sako của đài NHK qua đời, truyền thông cũng như các công ty lớn bắt đầu đưa ra những cải tổ kịp thời để ngăn người lao động bị ảnh hưởng bởi Karoshi. Đài truyền hình NHK đã đưa ra một vài cải cách về không gian làm việc, trong đó có yêu cầu người lao động phải rời văn phòng sau 10 giờ tối và các ngày nghỉ.
Tháng 2/2017, chính phủ Nhật Bản khởi động chương trình kích cầu tiêu dùng mang tên “Premium Friday”. Vào thứ 6 cuối cùng của tháng, người lao động sẽ được phép rời công sở từ 3 giờ chiều. Mục đích của chương trình này là giảm thiểu thói quen làm việc quá giờ, đồng thời giúp cho người lao động có thể dành thời gian để hưởng thụ như mua sắm hoặc ăn uống.
Tuy nhiên, “Premium Friday” không đem lại được nhiều kỳ vọng như mong đợi. Rất ít công ty, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ chịu áp dụng chương trình này vào trong thực tế. Bên cạnh đó, nhiều người lao động cũng không quá mặn mà với hoạt động này. Nhiều người lao động không dám đi về trước khi đồng hồ vừa điểm 5 giờ, và đồng nghiệp họ cũng vậy. Rất ít người lao động mặn mà với “Premium Friday”.
Quy trình đền bù cho nạn nhân của Karoshi
Làm việc quá giờ là điều không hề mới tại Nhật Bản. Tuy vậy, phải cho đến khi có những cuộc vận động hành lang của nạn nhân Karoshi, chính quyền cũng như truyền thông mới vào cuộc và vấn nạn Karoshi mới thực sự được đưa ra ánh sáng.
Có một sự thật là không phải tất cả những người lao động qua đời vì làm việc quá sức đều được công nhận là nạn nhân của karoshi. Nhà chức trách sẽ điều tra tỉ mỉ từng vụ việc, từ đó mới đưa kết luận cuối cùng rằng họ có phải nạn nhân của karoshi hay không. Một khi người quá cố được công nhận là nạn nhân của Karoshi, thân nhân của họ sẽ nhận một khoản tiền đền bù.
Nhưng liệu nó có thoả đáng?
Nỗi đau cho người ở lại
NHK là công việc đầu của cô Miwa Sado, cử nhân ngành luật tại Đại Học Hitosubashi ở Tokyo. Cô bắt đầu làm việc tại đài truyền hình lớn nhất tại Nhật Bản từ năm 2005 tại Kagoshima, miền Nam Nhật Bản, trước khi chuyển đến chi nhánh Tokyo vào năm 2010.
Theo lời mẹ của Miwa, cô phải tuân theo văn hoá làm việc có phần tệ hại từ chính những đồng nghiệp của mình. Miwa hiếm khi được nghỉ ngơi vào cuối tuần và thường xuyên phải ở lại văn phòng đến nửa đêm mỗi ngày.
Miwa là chị cả trong gia đình có 3 anh chị em. Cô còn dự định kết hôn trong tương lai gần. Trước lễ hoả táng, vị hôn phu của cô đã đeo chiếc nhẫn cưới lên tay của cô.
“Con bé là kho báu, là niềm hy vọng sống cũng như động lực lớn nhất của tôi. Sau khi con bé qua đời, cuộc sống của tôi như đi vào ngõ cụt. Nỗi đau này sẽ ghim chặt vào tim tôi suốt đời,” mẹ của Miwa chia sẻ với truyền thông.
Mời các bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Kì thi đại học tại Hàn Quốc: Gánh nặng đè lên vai học sinh và phụ huynh
- Đắm mình trong sắc đỏ mùa thu Nhật Bản
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!